Gia đình của ông bác ruột tôi ở quê xào xáo vì vấn đề muôn thuở mà tôi tin rằng hầu hết gia đình Việt từng có: Mâu thuẫn chia đất thừa kế.
Ông bác tôi tuổi đã già, vài năm trước chia đất cho hai người con như sau: 3 công đất vườn (3000m2) và một lô đất thổ cư hơn 200m2, tuỳ ý anh em trong nhà chọn lựa nhau.
Anh họ tôi, là con trưởng và là con trai duy nhất trong gia đình nên phần nhà và đất của bố hiện tại đã nghiễm nhiên thuộc về anh ấy nên đã nhường cho em gái lô đất thổ cư.
Người em gái này mới lấy chồng, cũng cần một nơi để dựng nhà ở. Thế là ông anh nhường ngay cho cô em gái lô đất mặt tiền. Theo một số đánh giá của họ hàng và làng xóm thời điểm đó, ông anh họ tôi như vậy là "khôn". Bởi với ba công đất vườn trồng mít, ở thời điểm mỗi trái mít loại nhất nặng vài chục kg có giá gần cả triệu đồng thì đó là một món hời to.
Thế nhưng bây giờ thì sao? Qua vài năm canh tác, giá mít không còn "dễ ăn" như thời điểm đó nữa. Mít rớt giá liên tục, chưa kể phần đầu tư cho phân, thuốc... khiến anh cảm thấy "bất công", "không công bằng" vì lô đất mà em gái đang xây một căn nhà cấp bốn trên đó có giá "mấy tỷ bạc".
Chỉ trong vòng vài năm, một lô đất ở xã của một huyện lẻ có giá vài trăm triệu đã tăng lên thành tiền tỷ.
Nhận ra mình đã "hớ", dù muộn màng nhưng vợ chồng anh họ tôi vẫn nuôi mộng được đổi lại một lần nữa dù giấy tờ, sang tên đã được làm xong. Thế là anh em trong nhà từ chỗ "nhường nhịn" sang ghen tức, cãi vã và trở mặt nhau.
Là người ngoài, tôi nhìn thấy nguồn cớ sự xung đột này là do giá đất tăng quá nhanh. Chủ yếu là do cò thổi giá liên tục. Trong đó có phần đóng góp không nhỏ của những người ở thành thị tìm về vùng nông thôn các tỉnh lân cận quanh TP HCM tìm mua đất với danh nghĩa "đầu tư", "để dành" nhưng thực chất là lướt sóng kiếm tiền lời, bởi: "Cả chục năm làm lụng cũng không bằng tiền lời một lô đất".
Cứ thế, cò đất mặc sức tung hoàng, mặc sức thổi giá. Thị dân có chút tiền dư, không biết đầu tư vào đâu lại đổ vào những mảnh đất ở quê.
Thế nên mới đây, trên mạng xã hội, một người tâm sự (hay đúng hơn là kêu gọi): "Đừng mang tiền về quê mua đất nữa". Người này viết: "Chứng kiến cảnh từng đoàn ôtô tìm về mua đất, tôi không khỏi buồn phiền và lo lắng cho tương lai ở vùng quê bình yên của mình. Ngoài 50 tuổi rồi, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng từng đoàn xe ôtô tìm về quê mua đất như thời gian gần đây. Đất đầu làng cũng đã đẩy giá lên vài tỷ đồng mỗi lô. Vũng trâu đằm sâu tít trong ngõ cũng rao bán 400 – 500 triệu".
Tôi không biết vùng quê của anh này ở đâu, có xa Sài Gòn không? Nhưng hiện tại, giá đất ở những khu vực xung quanh thành phố liên tục tăng. Chúng ta hãy còn nhớ đất ở gần dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), Chơn Thành (Bình Phước) đã tăng như thế nào.
Hiện tại, đất khu Đông và huyện vùng ven Bình Chánh (TP HCM), lượng người quan tâm tăng gần gấp đôi và mức giá ghi nhận tăng từ 7% - 10%. Xa hơn một xíu, ở Long An, giá đất nền cũng đã được đẩy lên cao từ 10% trở lên. Giá đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu thì được nhân sự của một công ty bất động sản nói rằng "tăng chóng mặt". Đất ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Quay trở lại với câu chuyện nội bộ gia đình ông bác tôi. Chuyện anh em trong này trở mặt vì giá đất tăng có lẽ chỉ mang tính cục bộ. Còn sâu xa hơn là gì? Đó có phải là người nông dân cứ nhìn vào giá đất tăng để sống và mất dần động lực làm việc?
Khi giá bất động sản tăng cao mà không đi kèm quy hoạch bài bản, không có khu dân cư, không có tiện ích, không kết nối giao thông, không có việc làm tại chỗ...thì đó chỉ là những bong bóng mà người mua lẫn cò đất đều hà hơi thổi vào. Người dân nào dại dột bán đất trong mất năm qua, có lẽ tiền đã tiêu xài gần hết. Nếu ai làm của để dành và còn nguyên thì có lẽ cũng chẳng mua lại nổi mảnh đất khác.
Cứ thế, người bán đất thì tiêu xài, hết tiền và mất đất. Con cháu trong nhà, thanh niên ở quê thì không cố gắng học hành, làm việc, chỉ chăm chăm nhìn vào miếng đất, mảnh vườn của ông bà cha mẹ để bán.
Hoàng Lãm
0 Nhận xét